Tag Archives: người tài

Học ở tây rồi, về hay ở?

Bài này viết lâu lắm rồi, hôm nay đọc lại thấy vẫn còn thời sự. Phản hồi cho chuyên đề của VNnet. Học ở tây rồi, về hay ở?

  1. Trước hết xin cảm ơn Vietnamnet.vn mở một diễn đàn thú vị. Tôi theo dõi tất cả các bài viết thuộc chủ đề này. Từng bài từng bài tập hợp lại với nhau thành một bức tranh lốm đốm giúp cho tôi hình dung được tâm tư, trăn trở của đội ngũ trí thức đương đại cũng như hiện trạng sử dụng, quản lí và khai thác nhân sự tại Việt Nam.Tôi không khỏi đau lòng khi thấy nước Việt nghèo của chúng ta đang từng ngày, từng ngày bị chảy máu chất xám, nếu không ồ ạt thì cũng đang âm ỉ rò rỉ trong đầu nhiều trí thức. Tôi thực sự có cảm tình với tờ báo điện tử này, lúc đầu là đọc bài phỏng vấn của ông Tổng biên tập với bà Tôn Nữ Thị Ninh, trong đó, bà ấy nói: tại sao Việt Nam không rộng cửa để bổ nhiệm những vị Bộ trưởng thực sự có tài mà không phải là Đảng viên cộng sản, và bây giờ là chủ đề bàn thảo sôi động này. Tôi thấy ông TBT này thật dũng cảm.
  2. Một câu hỏi được đặt ra: tại sao nước Việt có nhiều người tài cao, học rộng, có kiến thức, có nhiệt tình cống hiến, có tâm như họ mà đất nước vẫn nghèo? Tại họ học hành chưa tới nơi tới chốn? Tại đầu tư ngành học không đúng? Tại cái “hồng” cái “chuyên” chưa được xác định đúng nghĩa và chưa rõ được đâu là chân giá trị? Hay tại cơ chế quản lí nhân sự và khai thác tài nguyên nhân sự có vấn đề?
  3. Có lẽ mỗi thứ đều đúng một chút. Nếu nhìn nhận một cách công bằng, có thể thấy, những ngành học của đại đa số hiện nay chưa thực sự  có tính chất chiến lược: học để xây dựng một đất nước phát triển về một hay một số ngành lĩnh vực mũi nhọn. Dường như, sự đào tạo có nhiều thiên lệch, chẳng hạn thiên về quản lí (tài nguyên, môi trường, kinh tế, chính trị v.v.), hay về khoa học xã hội nhân văn mà có quá ít những “con chim đầu đàn” – những người có khả năng làm chủ được khoa học kĩ thuật – những hỗ trợ đắc lực cho việc tạo ra sản phẩm vật chất cho xã hội, hoặc được tạo điều kiện dẫn dắt những đội ngũ cộng sự đắc lực để tạo ra nhiều của cải cho xã hội mà không bị ràng buộc bởi những cái “vòng luẩn quẩn” như một số bạn đã đề cập tới. Mặt khác, cơ chế chọn cán bộ lãnh đạo hiện nay có phần chưa được công bằng bởi cái được gọi là “qui hoạch cán bộ” vốn được tiến hành khá chủ quan, chủ yếu là “hợp nhãn” của cán bộ quản lí đương nhiệm chứ chưa thực hiện theo một qui trình khoa học của một môi trường cạnh tranh lành mạnh là “bất cứ ai cũng có quyền được hưởng cơ hội thăng tiến bình đẳng”. Bởi vậy, những người đã được “qui hoạch” thì không cần phải phấn đấu cũng sẽ tự nhiên “thăng chức” như kiểu “mười năm phấn đấu không bằng cơ cấu một đêm”, và những người khác không thuộc diện “qui hoạch” thì đương nhiên, không cần phải cố gắng cầu thị làm gì cho mệt. Với lối sử dụng cán bộ như thế, không thể nào mơ tới được môi trường lao động trong sạch được.
  4. Nói như vậy không có nghĩa là cần phải bổ nhiệm hết những người có bằng cấp vào hết thảy các vị trí lãnh đạo. Nhưng cơ chế quản lí của chúng ta tạo điều kiện cho những người quản lí hành chính có quá nhiều quyền lực trước những người thực hiện công việc chuyên môn (tôi muốn nói tới những ngành dễ dàng phân biệt “anh giỏi anh dốt” như ngành y tế, ngành kĩ thuật, chứ không lạm bàn về ngành khoa học xã hội (ai cũng giỏi ai cũng dốt). Bởi thế, một người không có chuyên môn (do được hợp nhãn cấp trên, được bổ nhiệm làm lãnh đạo (chẳng hạn cấp phòng nặng tính chuyên môn), trong đó có những tiến sĩ khoa học kĩ thuật chẳng hạn, sẽ bộc lộ vô số những khiếm khuyết khiến cho những người tiến sĩ kĩ thuật không thể hoàn thành nhiệm vụ. Và mâu thuẫn nảy sinh từ đó. Mà mọi khát khao quyền lực cũng từ đó mà ra, bởi không có quyền thì họ khó có thể làm việc theo ý mình, ít nhất cũng không đủ thẩm quyền để lựa chọn người thực sự đảm đương được công việc thực tế yêu cầu.
  5. Chúng tôi thuộc thế hệ 6 X, có nghĩa là ít nhiều còn được hưởng một nền “giáo dục sạch” và những hệ quả của nó – không bị ô nhiễm bởi mua điểm, bán bằng, không bị ảnh hưởng của áp lực trường chuyên, lớp chọn, phân ban, không phải băn khoăn học thêm để kiếm học bổng vì nếu cứ  qua được kì thi tuyển đại học thì chắc chắn chúng tôi được lựa chọn để đi học nước ngoài. Trở về nước, chúng tôi không bị áp lực về việc làm vì hầu hết đều được phân công làm việc trong các cơ quan nhà nước, với mọi đãi ngộ giống nhau và theo nguyên tắc giống nhau. Các sếp của chúng tôi đều đã từng được đi đào tạo ở nước ngoài và bây giờ cũng vậy, các “sếp” trong các cơ quan nhà nước hầu hết đều là những người đã từng được du học ở nước ngoài, nhưng hình như đã biến thành những người khác hẳn xưa kia mà sao lại càng ngày càng có nhiều người phải lo lắng về công ăn việc làm, phải đau đầu về môi trường làm việc đến vậy?
  6. Trong số những người đồng trang lứa của tôi, nhiều người dũng cảm đã từ bỏ cơ quan nhà nước, với nhiều lí do khác nhau, chẳng hạn có người như không chịu được cảnh “sáng đi làm ôm một chồng tài liệu lên lầu năm, chiều lại mang chồng tài liệu đó xuống lầu hai mà không biết ôm chồng tài liệu đó để làm gì”, hiện giờ đã là một giám đốc một công ti riêng với lối làm ăn “sạch” (không phải lo lễ tết cho cấp trên hay lobby để có được hợp đồng), lo được công việc làm cho người khác, còn có nhiều thời gian rảnh rỗi để luyện tập thể thao, chăm lo sức khoẻ cho mình và cho gia đình, và chủ yếu là được làm việc theo ý mình. Tuy nhiên, cô ấy vẫn không khỏi phàn nàn mỗi khi phải có việc liên quan tới đội ngũ “công quyền” nhất là trong  ngành thuế. Có người làm việc cho các ngân hàng nước ngoài và được đánh giá năng lực rất cao tâm sự: “Thực sự lấy làm tiếc khi bọn mình lại chỉ được làm việc cho nước ngoài mà không “được” cống hiến cho nước mình”. Lại có người không còn ở lại trong nước nữa, còn “kiếm được chân Distinguished Professor Chair tại một trường đại học “như ở Mường Tè” tại Mỹ” (lời người vợ nói đùa), và “bây giờ ông ấy (TS khoa học toán học trẻ nhất VN thời đó – 27 tuổi) chẳng ai biết ông ấy là ai nữa”, “cũng may còn được làm việc bằng nghề của mình, chứ nếu còn ở Việt Nam, có lẽ cũng lại đổi nghề sang làm kinh doanh, buôn bán phần mềm vi tính là cùng thôi”, còn người vợ, cũng đã từng du học nước ngoài theo học bổng nhà nước, theo chồng “làm Ôshin” hết nước nọ tới nước kia, nhưng bằng lòng với công việc mới hết sức thú vị, chẳng ăn nhập gì với ngành đã học ở đại học: “sửa móng tay”. “Hay lắm mày ạ, cứ một bộ móng 20 đô thì chủ (người Việt) cho tao hưởng 12 đô và toàn bộ tiền tip”. “Ô hay, cái cơ chế làm việc của người ta mới hay làm sao, chủ (cũng là người Việt) phải chi phí bao nhiêu thứ mà lại cho người làm công trực tiếp hưởng nhiều tới vậy! Thế là sao vậy nhỉ?” Có mơ cũng chẳng ra cái cung cách làm việc như thế ở nước mình. Thực sự tôi có nhiều bạn khác nữa ở các nước khác nhau, họ đã chuyển hẳn “ngạch đào tạo” sang kinh doanh theo sở trường và họ khá thành công. “Con tự hào là mang lại vô số công ăn việc làm cho những người trong nước”, cô bạn tôi – một nhà sinh học – nói với ba mình, một thiếu tướng về hưu, vốn rất “bôn sê vich” và cực kì phản đối chuyện các con từ bỏ quê hương (sau chuyến thực tập tại nước ngoài) ở lại lập nghiệp. “Tao không thể nào chịu đựng được cách làm việc của đội ngũ công chức Việt Nam, nếu cứ “giây” vào họ thì bọn tao sạt nghiệp về chuyện phá vỡ hợp đồng và lối làm ăn vô nguyên tắc”, cô ấy cũng lại phàn nàn với tôi về cung cách làm việc của một số bộ phận công quyền liên quan tới công việc của cô ấy.
  7. Còn tôi, hai mươi năm trời công tác, đã quá quen với con đường đã  chọn. Tôi chỉ là một giáo viên bình thường ở một trường đại học chỉ cần các kĩ năng thực hành mà “không cần mấy tới lí thuyết”. Tôi không có tham vọng cao xa như là phải làm một việc gì đó lớn lao cho đất nước. Tuy nhiên, rất khó với tôi để có thể chấp nhận một cuộc sống bình yên với hơn một triệu đồng tiền lương/tháng và rất khó chấp nhận để phải cầu cạnh người này hay người khác để kiếm cho mình một công việc với thu nhập khá hơn (bởi cung cách quản lí: lấy công việc làm hình thức ban phát bổng lộc cho mỗi người lao động chứ không phải là hai bên cộng tác cùng có lợi). Bởi vậy, tôi cũng phải bươn chải làm việc cho chỗ này chỗ khác để ít nhất có đủ tiền chi tiêu cho gia đình, giúp đỡ được những người thân trong gia đình khi cần thiết (bởi đại đa số dân Việt ta rất nghèo, có lẽ mức độ chỉ hơn một số nước châu Phi một chút – tôi nói vậy khi so sánh Việt Nam chưa có cảnh trẻ em bệnh tật nằm ở bệnh viện để ruồi bâu kín người như trên TV thường chiếu). Nhưng nghề của tôi khác với mọi người, tôi còn có thể dạy thêm (dịch hay luyện thi IETLS, chứ không phải bắt học sinh đi học thêm các môn học do mình dạy, bởi vì ở đại học, nếu một học viên đi học thêm chuyên ngành giáo viên dạy thì thường vì lí do khác chứ không phải vì lí do bồi bổ kiến thức). Tôi cũng muốn làm việc hết sức mình để cống hiến nhiều hơn, nhưng khi học xong TS tôi “được” chuyển bô môn công tác tới 3 lần và đồng lương của tôi không đủ sống vì chưa đủ giờ chuẩn qui định của nhà nước, tôi còn phải nộp thêm tiền để bù vào cho đủ giờ chuẩn (300 giờ cộng thêm 85 giờ “nghiên cứu khoa học – một đặc ân duy nhất của một TS mà nếu không có nó – tôi chỉ “bị” 51 giờ thôi), tôi buộc phải chọn cho mình con đường an toàn nhất để nuôi sống mình và nuôi dạy con tôi học hành tới nơi tới chốn, bằng sức lao động chân chính của mình, trước khi mơ tới cơ hội “được cống hiến” . Tôi đi dạy thêm, chẳng mấy ai biết tôi có bằng TS hay là giáo viên của một trường đại học. Họ chỉ quan tâm tới tôi dạy cho con cái họ có thi được cái “ai-en” của nước ngoài hay không để thoả mãn nhu cầu du học. Nếu tôi dạy cho họ không được, tôi không thể duy trì cái sự sống của chính tôi, và tôi luôn phải cố gắng làm việc này cho thật tốt. Thực sự tôi đã làm tốt vì tôi có thể giúp cho tới 97% nếu không muốn nói là 99,9% những học sinh của tôi đủ điều kiện du học trời tây. Thật vui sướng khi có phụ huynh khuyên tôi thế này” Tại sao cô không tạo cho mình một thương hiệu của chính mình nhỉ”. Tôi mỉm cười và không khỏi ngưỡng mộ sự rạch ròi của ngành thương mại.
  8. Nhưng có rất nhiều người quanh tôi, họ là những người làm những việc to tát, họ cần phải được sự hỗ trợ của nhà nước (thực chất là của những con người bằng xương bằng thịt tạo ra nó) để có thể tiến hành nghiên cứu một cách nghiêm túc, họ không thể tự phát bứt ra làm đơn lẻ như nghề giáo, nghề luật, nghề hoá, nghề toán v.v.. Đây thực sự  mới là nỗi đau chúng ta cần chia xẻ với họ. Một mặt họ không được tạo điều kiện nghiên cứu (phải được “duyệt” đề tài), mặt khác, họ bị coi là “những người vô dụng, một năm chẳng có được đề tài nào nghiên cứu cả”. Họ chán đời là phải khi phải nghe những câu đại loại như “Đề tài này rất hay, rất hữu ích nhưng kinh phí không cho phép”. Hoặc “ai biết được đề tài của ông nghiên cứu sẽ đi tới đâu”. Nếu biết được đi tới đâu thì còn phải nghiên cứu làm gì! Có người không ngần ngại nói: “vậy cứ duyệt đề tài cho tôi, tôi tự chịu kinh phí, nhưng khi hoàn tất đề tài và thực sự được đánh giá là có ích (chẳng hạn tiết kiệm cho nhà nước nhiều đôla nếu phải mua máy móc của nước ngoài), cơ quan hãy thanh toán lại tiền cho tôi” và họ được nghe câu trả lời mà ai cũng biết chẳng bao giờ có hi vọng khả quan:“ Để lãnh đạo xem xét”. Lãnh đạo của họ đã nhiều lần đi học ở nước ngoài nhiều năm, “xã hội chủ nghĩa” cũng có, “tư bản chủ nghĩa” cũng có mà sao họ hành chức vô tình tới vậy. Tôi chứng kiến những câu chuyện như vậy mà không khỏi xót xa.  Càng xót xa hơn khi hiểu rằng, cái mà chúng ta đang thiếu đó chính là một môi trường làm việc trong sạch, một thái độ công minh với những người làm việc chân chính, chứ chưa muốn dùng tới cụm từ cao siêu là hoạt động khoa học chân chính.
  9. Với những lời bộc bạch như vậy tôi muốn góp thêm tiếng nói của mình – một nữ giáo viên tầm thường (với “chân ngoài dài hơn chân trong”) – vào diễn đàn này, với hi vọng có thể chia xẻ với những bức xúc của các bạn, chí ít cũng là của một TS (“thiến sót”) nữa trong gia đình tôi. Và hơn hết tôi cầu mong cho nước Việt chúng ta có thể tạo ra được một môi trường làm việc sao cho hết thảy mọi người đều được tự do cống hiến hết mình, và được bình đẳng thăng tiến. Đành rằng nếu không có một môi trường như thế, họ – những người có thể học trung thực để lấy được bằng này bằng nọ – chắc chắn sẽ tự lo liệu được cuộc sống cho mình, cho gia đình mình trên mức trung bình của xã hội. Nhưng nếu những người được trao nhiệm vụ làm lãnh đạo biết tập hợp lực lượng có thể sẽ tạo được sức mạnh cộng hưởng lớn lao và thoát khỏi lối làm ăn manh mún như đang nảy nở hiện nay và khi đó mới thực sự hữu ích cho cả đất nước này. Chúng ta hãy sống và chờ xem.
  10. Về hay ở, các bạn tự chọn cho mình con đường đi!