Category Archives: Học đường

Trả lời bạn đọc Blog

Các bạn thân mến,

Có bạn hỏi về sự vắng mặt của mình trên blog, về PW một số entries, về yêu cầu bằng MA TESOL với nghề dậy tiếng Anh (Đại học), và về năng lực tiếng Anh của cá nhân giảm dần với thời gian.

Thời gian vừa rồi mình bận nhiều việc khác nhau nên ít đưa bài lên. Một số bài để password vì đó là vấn đề đã cũ (dù vẫn còn giữ nguyên tính thời sự), không muốn ảnh hưởng tới tâm lí của các bạn trẻ khi đệ đơn vào một trường nào đó. Ví dụ vấn đề điểm đầu vào thấp với ngành y, dược của đại học Kinh doanh Công nghệ là nguyên nhân chính gây làn sóng phản đối do lo sợ ảnh chất lượng đào tạo không đảm bảo đối với hai ngành này…

Liên quan tới việc chọn nghề, mình vẫn nói là với các sinh viên có ý định muốn làm giáo viên hay giảng viên ngoại ngữ thì bằng cấp chuyên ngành muốn dạy là cần thiết. Dù người ta có phủ nhận bằng cấp tới đâu thì cũng phải chấp nhận một thực tế, hầu hết các ngành nghề khi đi xin việc tại một cơ sở nào đó, dù nước ngoài hay trong nước, đều dựa trên bằng đào tạo cả. Do vậy, việc một bạn nào đó muốn đi dậy tiếng Anh tại một trường đại học nào đó và được yêu cầu bằng MA là bình thường vì hiện giờ Thạc sĩ là yêu cầu bằng cấp tối thiểu với giảng viên đại học (bên cạnh nhiều điều kiện khác nữa). IELTS quốc tế – chứng chỉ năng lực tiếng Anh – bây giờ không chỉ là yêu cầu bắt buộc với giảng viên ngoại ngữ (tiếng Anh), mà còn đối với các giảng viên các chuyên ngành khác ở một số trường đại học, hoặc các viện nghiên cứu của một số cơ quan nhà nước.

Còn với những bạn muốn đi dậy tiếng Anh theo kiểu tự mình chiêu sinh, tự mình mở lớp, tự mình giảng dậy… thì bằng cấp chẳng có nghĩa lí gì. IELTS cao chứng tỏ năng lực tiếng của mình tốt, hoàn toàn có thể tự tin để làm việc đó, miễn sao người học chấp nhận móc hầu bao trả cho mình. Với những bạn có nhu cầu dậy tiếng Anh, học chuyên ngành tiếng Anh chắc chắn là phù hợp (dù chưa đủ).

Việc một cá nhân thi IELTS năm nay thấp hơn so với một hai năm trước là điều hết sức bình thường, không chỉ với những người ở Việt Nam, mà ngay cả với một số cá nhân đã và đang học ở nước ngoài. Khả năng sử dụng ngoại ngữ và khả năng thi để lấy chứng chỉ IELTS nhiều khi không đồng nhất. Mình đã gặp không ít trường hợp tiếng Anh kém hẳn so với thời kì trước khi sang Úc . Dễ giải thích thôi, khi sang Úc, người học tập trung  vào học chuyên ngành (nghề kế toán, nghề đồ họa chẳng hạn), hoặc sang Úc, người học có xu hướng sống với cộng đồng Việt nhiều hơn, hay đi làm thêm ở những cơ sở không đòi hỏi giao tiếp nhiều bằng tiếng Anh … Vì thế, không phải cứ rơi vào nước nói tiếng Anh thì tiếng Anh sẽ tự nhiên được cải thiện.

Sơ sơ như vậy. Mình sẽ xem lại toàn bộ các phản hồi và sẽ trả lời từ từ các câu hỏi mà mình cho là phù hợp với đa số. Cám ơn các bạn. Chúc các bạn yêu thích tiếng Anh hơn và tìm được công việc phù hợp với ngành nghề mình được đào tạo.

Cò giáo dục

Đời nay đúng là quá khổ (hú hú). Giáo viên biên chế thì cũng có cái sự khốn cùng của giáo viên. Giảng viên cũng vậy, thấp cổ bé họng chả có tiếng nói gì quyết định vận mệnh của mình. Có những cái hiển nhiên của mình mà cũng không dám lên tiếng “đòi” quyền lợi (phụ cấp thâm niên là một ví dụ của sự chây ì và xxx). Không những thế, còn tiếp tay cho “cò” để chúng ra sức lộng hành. Không có lẽ cái gì cũng mua cũng bán được thời nay!

Cám ơn các bạn phóng viên Phụ nữ online vô cùng dũng cảm. Còn các bạn, có nghĩa là vẫn còn hi vọng, cho một môi trường sống sạch sẽ. Các bạn đã giúp phần phanh phui vụ mua bán trẻ em tại nơi tu tịch (Chùa Bồ Đề). Giờ các bạn lại nối tiếp vụ này: cò viên chức giáo viên. Sắp tới, sẽ là vụ gì đây…

Đọc ở đây: Cò viên chức giáo dục lộng hành, nâng giá khi hàng trăm giáo viên mất việc:

http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/doi-song/co-vien-chuc-giao-duc-long-hanh-nang-gia-khi-hang-tram-giao-vien-mat-viec-59598/

Đây nữa này. Cả trung tá tham gia cò nhé huhu: http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/doi-song/dieu-tra-doc-quyen-co-vien-chuc-giao-duc-long-hanh-o-thu-do-59315/

Có ai biết thêm thông tin không, hãy gửi thông tin cho họ. Họ là số ít còn lại ở xã hội này – những nhà báo chân chính – không vì tiền mà bán rẻ đồng loại.

Tuyển sinh 2015 (tiếp)

Bộ Giáo dục cũng được nhiều lườm nguýt của thiên hạ, và của các trường. Của thiên hạ thì rõ rồi. Của các trường vì bị coi là “tiếm quyền tự chủ”. Nghĩ cũng khó. Thời buổi này mà thả lỏng mọi thứ cho các trường thì có khi cũng loạn, mà loạn kiểu khác. Khi đó, có một kịch bản là ai đỗ cứ đỗ và ai trượt cứ trượt. Quyền trong tay ta. Ai mà biết. Xét cuối cùng thì vẫn ai thân cô thế cô – thiêt nhé. Bởi vậy, nếu để tất cho bố Bộ lo thì việc chuyển nguyện vọng hay rút hồ sơ đơn giản hơn, bởi có một quy trình chung với anh máy tính với mấy con tính lập trình là xong tuốt. Chả ai phải chạy nháo nhào đi đâu cả. Dữ liệu nhập vào một đầu mối. Có khi lại nhanh. Hơn là kiểu lắm thầy thối ma, các con nhà ba ba chấu chấu cào cào đỡ thiệt đơn thiệt kép.

Sát giờ G phụ huynh nháo nhào, kẻ cười người khóc, kẻ buông xuôi. Thôi đành để cho cuộc chơi đưa đẩy, khi mà trận đã tàn. Nhìn thấy nước mắt lã chã rơi thấy thảm.

Công bằng mà nói, chỉ có hai đối tượng, rất nhỏ, hoặc điểm cao chót vót, hoặc thấp lè tè là không phải đầu quân xung trận, xắn quần áo, chia nhỏ trận địa với các nhân lực có thể của từng cụm gia đình, để mà mai phục “nộp nộp rút rút”. Cao chót vót thì kiểu gì cũng có thể đỗ. Thấp lè tè thì kiểu gì cũng chắc trượt. Nói có thể đỗ vì tổng điểm chỉ có vậy, bài không khó nhưng cũng không dễ đạt điểm tối ưu. Mà tổng điểm thì chỉ có 10 cho một môn. Chênh nhau thì cũng chừng 1/4 chứ không quy nhỏ hơn (nói cách khác là hội nhàng nhàng quá nhiều nên khổ). Chưa kể còn nảy nọc ra một lô những điểm cộng nào vùng, nào chính sách, nào dân tộc (ơ hơ, người Hoa cũng là dân tộc mới bỏ xừ người Kinh chứ hé hé), nào thương binh, nào liệt sĩ, nào có công nào giải này giải nọ … tất tần tật những thứ ưu tiên ưu đãi đó không ai rõ ngay từ đầu, khiến cho các sĩ tử chỉ dựa vào duy nhất cái kết quả bài thi thì … ngã ngửa và trở tay không kịp.

Mục tiêu chọn nghề bị chuyển xuống hàng thứ yếu thành chọn trường. Miễn có chỗ vào trường rồi tính sau (thì còn thi tiếp để chọn khoa tiếp như ở một số trường há há)

Mục tiêu tiết kiệm bị phá sản, ngân sách giảm nhưng sự tốn kém đổ dồn vào cái túi của người đi thi. Mấy chục ngày ăn trực nằm chờ tốn kém lắm chứ (mà đừng trách họ không sử dụng application online. Ai mà dám tin ở xứ nhà mình – nếu không cho người ta cái gì có thể tin – thôi thì cứ giấy trắng mực đen cho chắc ăn)

Mục tiêu giảm ảo bị phá sản. Có trường tưởng nhận đủ thí sinh. Đùng cái rút ào ào. Thế là lại thiếu. Như hôm nay thôi, Đại hoc Quốc gia cũng bắt đầu ngã ngửa là thiếu vô khối sinh viên. Báo hại bao cháu tuột cơ hội vào các ngành đã định – chỉ vì đỗ mà phải làm bài rút non sang ngành khác. Rõ khổ.

Mục tiêu tạo điều kiện cho thí sinh chọn ngành bị phá sản. Vì lo rút rút nộp nộp thế là thiếu kiên định, chuyển nguyện vọng nên vuột mất cơ hội vào ngành lựa chọn (như ví dụ trên)

Mục tiêu giảm stress bị phá sản. Trong suốt hành trình 20 ngày tuyển sinh là 20 ngày thắc thỏm, giật thột, lo lắng. Nước mắt rơi cũng không ít. Ác mộng chắc cũng không hiếm.

Tóm lại giảm bớt một kì thi là tốt. Nhưng có vô số hệ lụy xảy ra. Đau đầu.

Tốt hơn có lẽ chỉ cần xét tốt nghiệp phổ thông. Rồi cho thi đại học như bao nhiêu năm xưa vẫn vậy. Phương án thả lỏng cho các trường tự quyết định tuyển sinh thì chỉ khổ con nhà ít quan hệ vì thời nay quả thật khó mà tin ở đạo đức công quyền.

Ưu tiên vùng miền, chính sách này nọ chỉ nên tính vào hỗ trợ (học bổng, học phí, chỗ ở, đi lại, bỏa hiểm y tế học đường, sách vở v.v.) sau khi đã trúng tuyển, hoặc chỉ ưu tiên một số ngành nhất định, không phải ngành nào thích là được ưu tiên. Nếu chấp nhận ưu tiên vùng miền thì sau này tốt nghiệp cũng cần phải chấp nhận sự điều động phân công công tác phù hợp với vùng miền ưu tiên.

Tuyển sinh 2015

Lâu rồi cũng chẳng quan tâm lắm tới “món” này (vì có nhiều “món” khác thú vị hơn 🙂 . Nhưng dạo này nhiều bạn bè, phụ huynh gọi điện nhiều quá nên đành viết tiếp vài dòng (Không nói tới những cái hay mà Bộ đã nói, bởi nếu không hay thì chắc Bộ đã không chọn phương án chung này hix hix).

Tuy nhiên, thật trái ngược với ý đồ tốt đẹp thì việc Bộ cải tiến để gộp hai kì thi vào một, rồi ném uỵch cái quyền chọn cho học sinh là việc làm tệ hại nhất từ trước tới giờ trong lịch sử tuyển sinh đại học ở nhà mình. Thi xong rồi thì, trừ những thí sinh điểm cao chót vót, vẫn rối như canh hẹ. Đỗ đấy, mà trượt đấy, không biết đâu mà lần. Vừa tra tấn tinh thần, lại vừa tốn kém vật chất. Ngay đoạn cứ chạy ra chạy vào hóng cái báo cáo danh sách tuyển sinh của các trường đã điên mất rồi (mà có phải nó luôn cập nhật đâu). Chưa kể các thí sinh ngoại tỉnh, muốn rút hồ sơ chuyển trường phải (dù đã Bộ mới ra chiếu chỉ thay đổi) tới Sở Giáo dục hoặc tới trường làm thủ tục. (Tới trường cùng địa bàn đã mệt, tới sở ở các địa phương thì có khi cũng phát điên đầu với dân ở xa tỉnh lị). Tóm lại tiết kiệm đâu chưa thấy nhưng tổn thất cho mỗi gia đình không hề nhẹ, cả vật chất lẫn tinh thần.

2. Việc chọn ngành. Rất nhiều người hỏi nên học ngành gì. Nói thật với mọi người, người nhà mình thì chắc chắn là khuyên không học tiếng rồi (dù có gọi ngôn ngữ a bờ cờ oai zét tê đi nhé). Còn hỏi lí do vì sao thì nói nhiều rồi, vẫn kiên định không nói lại. Còn nếu đã học tiếng từ nhỏ rồi mà thi đại học đã được 9 điểm Anh rồi chẳng hạn thì 100 lần nói là không vào khoa tiếng Anh, dù bất cứ tiếng Anh loại gì với tên gọi như thế nào. Ai chửi rủa mình là dốt tiếng Anh nên ghét ngành đó thì cũng mặc kệ nhé, vì nó chẳng ảnh hưởng gì tới mình cả. Đơn giản là dành thời gian để học những cái khác có ích hơn. Mà không phải bảo là 9 điểm là giỏi nhé, thuần túy là có cái nền đó rồi, học lấy cái chứng chỉ quốc tế là ai cũng biết trình độ tiếng Anh rồi. Phí 4 năm vào một cái chỉ cần một thời gian ngắn là hoàn thành nó thì tự đánh giá hay dở nhé. Còn quá thích nó mà muốn tiếp tục nó thì đó là sở thích cá nhân rồi, không ai bình luận được (đương nhiên nếu thích học tiếng quá thì cũng chỉ nên chọn một hai ba thứ tiếng còn có khả năng xin việc tốt – trước mắt).

Tại sao không học tiếng a bờ cờ oai zét tê đơn giản là vì lại phải mất thêm thời gian để học nghề khác (nếu không chọn nghề dạy tiếng). Hơn nữa, để học giỏi một thứ tiếng không nhất thiết phải học đại học. Các thứ tiếng phổ biến bây giờ các trung tâm dậy rất nhiều. Học online với giáo viên, hay tự học cũng được. Thời đại công nghệ mà.

Tại sao chọn nghề để học: sau này đi làm nghề thì phải học nghề cụ thể thôi. Cơ hội tìm việc làm cũng dễ hơn, cơ hội thăng tiến (không bao hàm nghĩa “chức vụ”) theo nấc thang nghề nghiệp cũng nhiều hơn. Đơn giản là nếu làm nghề loong toong thì cơ hội thăng tiến bằng nghề của mình đương nhiên hoặc mình siêu giỏi, hoặc gia đình mình siêu điều kiện, hoặc mình siêu may mắn. Nhỉ?

Nói chuyện với học sinh 12: cải tiến đề thi và giao quyền tuyển sinh cho các trường

Hôm nay có một học sinh phổ thông hỏi: cô nghĩ gì về đề văn mới và việc chuyển thi đầu vào cho các trường đại học tự quyết?

Về chuyện đề văn: Thay đổi là tốt nhưng nếu mở quá mà giáo viên chưa được tập huấn cẩn thận thì sẽ dẫn đến tình trạng chấm thế nào cũng đúng, hoặc biện giải thế nào cũng không sai. Không phải giáo viên nào cũng có khả năng chấm bài mở. Không phải cứ làm giáo viên lâu năm là sẽ có kinh nghiệm chấm bài. Chấm bài tự luận của tiếng Anh quốc tế giáo viên phải học qua một lớp đào tạo với bài thi do chính giáo viên làm trước, sau đó cứ hai năm phải được tập huấn thi lại để nhận chứng chỉ đủ tư cách làm giám khảo.

Về chuyện chuyển thi đầu vào cho các trường đại học tự quyết: Đây là chuyện bình thường ở tất cả các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Ở đó, giáo viên có quyền tối thượng đánh giá người học và thiết lập chương trình giảng dạy cho đối tượng học sinh cụ thể. Nhưng ở nhà mình có khi khó áp dụng. Tất cả phụ thuộc vào tư cách của giảng viên.

Khi xưa thi đại học, học sinh dự thi vào các trường, ở địa phương nào có điểm thi, nhà trường sẽ cử giám thị về nơi đó tổ chức thi tuyển theo cơ sở riêng, cũng có thể là theo cụm thi đại học. Ngày nay nếu áp dụng phương pháp này có thể bị phá sản. Địa phương có thể can thiệp, mua giám thị, hoặc sẽ bị đe dọa nếu giám thị làm nghiêm túc.

Việc trao trả lại quyền cho các trường sẽ lại quay về nguyên gốc của ba chung: dẹp loạn lò luyện thi ở các trường. Khi đó, các lò luyện lại bắt đầu tung hoành ngang dọc.

Việc này cũng khó hơn vì ngày nay dễ dàng có sự can thiệp của các mối quan hệ chồng chéo nhau, thi cử sẽ không còn nghiêm túc như trước nữa.

Tóm lại là vấn đề tư cách của con người.

Mọi cái đều phụ thuộc vào tư cách đạo đức cá nhân, tư cách đạo đức nghề nghiệp của mỗi người, cụ thể là giáo viên, người quản lí. Các mối quan hệ này đan xen, rằng xé nhau. Bởi vậy, cái gì ngày xưa làm được, chưa chắc giờ làm được. Cái gì thế giới thành công, chưa chắc ổn ở Việt Nam. Bởi lẽ, yếu tố con người và tư cách đạo đức cá nhân, giá trị xã hội hiện nay đã đảo lộn. Người ta hành xử không còn theo chuẩn mực đạo đức mà chủ yêu theo chuẩn mực của các mối quan hệ, nói cách khác, các mối quan hệ cá nhân quyết định tất cả mọi hành vi ứng xử của con người. Đó cũng là lí do mọi thứ đều lộn xộn không thể nào có hi vọng cải thiện tình hình.

RMIT và tự hào cá nhân sinh viên mỗi trường

Có một sinh viên năm 1 nói câu này mình cho là đúng: Mỗi sinh viên Việt Nam đều coi ngôi trường mình học là nhất. Mỗi thầy giáo cô giáo đều coi môn mình dạy là nhất.

“Ở trường em, khi em không đỗ vào khoa X, em phải vào khoa Y và ở đó, tất cả các thầy cô đều bảo là khoa Y là khoa tốt nhất, chúng em may mắn mới được vào đó. Nhưng em cũng được biết ở các khoa khác, các thầy cô cũng gieo vào đầu các bạn những câu tương tự, và bạn nào cũng tin điều đó là đúng, và ra sức bảo vệ nơi mình học, đôi khi thuần túy vì chính bản thân mình”.

Hôm nay đọc bài viết này của bạn này, mình không hẳn nhất trí với bạn tất cả, nhưng có một câu mình thấy rất đúng: nếu họ không thích họ cũng không nói ra, đơn giản vì điều đó chẳng có lợi gì cho họ cả. Đúng thật, bên cạnh cái niềm tự hào rất chung chung đó, còn có một cái rất rất là cá nhân: Nếu mình chê nơi đào tạo mình thì xã hội sẽ coi cái mình có (cái bằng) là cái gì đây và như vậy sẽ bất lợi hơn cho họ khi đi kiếm việc làm.

Chân lí rất đơn giản và đúng. Bởi thế, nếu có ai nói xấu trường bạn học, và bạn lại được nghe người ta gân cổ cãi rằng nơi họ tuyệt vời lắm.. thì điều đó cũng hết sức là … bình thường. hehehe

______________

bài viết của bạn đó đây: “Ở Vietnam có một cái trường lừa đảo mang tên RMIT”. Chú ý: Những lời nói của bạn này không nhất thiết là đồng quan điểm với chủ blog nha.

From the album: Timeline Photos
By Teach me vietnamese
Ở Việt Nam có một đại học lừa đảo mang tên RMIT

Ở Nhật Bản, thì Úc được cho là một địa điểm du học lý tưởng.
Đại học ở Úc nhập học vào tháng 2 , trường cấp 3 ở Nhật thì tốt nghiệp tháng 3 nên sau khi tốt nghiệp có thể xin nhập học ngay lập tức.
Có nhiều học sinh Nhật Bản dự thi kỳ thi của trường đại học mang tên là ANU.

Thực ra , trường đại học ANU là đại học của Úc , nhưng văn phòng tiếp nhận hồ sơ dự thi lại ở Nhật, trang web được viết bằng tiếng Nhật. Người trực tổng đài cũng là người Nhật. Kỳ thi cũng dễ dàng, chỉ cần có kiến thức cỡ như học sinh năm nhất cấp 3 thì hầu hết có thể nhập học được.
Nhưng khi nhìn vào xếp hạng các trường đại học thì trường ANU này lại là trường hàng đầu của Úc.
Tại sao kỳ thi lại đơn giản như thế. Lý do là có thể kiếm tiền dễ dàng.

ANU được xếp hạng cao nên tiền nhập học cũng cao và học sinh muốn nhập học cũng nhiều. Những người đó không phải là học sinh mà là khách hàng. Ở đất nước họ, họ tuyển những học sinh giỏi vào trường để nâng xếp hạng lên, ở nước khác thì kiếm nhiều tiền từ những học sinh yếu kém để vận hành trường học.
ANU coi vài phần trăm trên tổng số học sinh của mình là khách hàng và kiếm lời từ đây.
Tôi nghĩ đây là một cách làm rất hay. Nếu con trai của mình dốt nát thì thay vì bắt nó học, trả tiền cho nó vào trường tốt còn dễ dàng hơn nhiều.
Nhưng ở Việt Nam lại có một trường kỳ cục mang tên RMIT
Trường này là trường có học phí cao như ANU , nhưng là đại học vô danh trên thế giới chẳng ai biết đến. Hỏi người Việt , người ta cũng trả lời đây là trường chỉ cần có tiền thì ai cũng vào được, một trường bị đánh giá thấp.
Nếu có thứ hạng cao như trường ANU thì còn có giá trị để trả tiền học phí cao, nhưng trường mà đã vô danh, đến khỉ cũng vào được thì có lý do gì để trả học phí cao như vậy ?
RMIT ban đầu là trường đại học công nghê. Chữ T trong RMIT là viết tắt của Technology .
Nhưng trường này lại là trường tiếng Anh, nơi dạy viết luận bằng tiếng Anh, viết Email công việc bằng tiếng Anh, những việc mà nếu đi làm thì chỉ cần 1 phút là học được thì lại phải mất 3 năm để dạy.
Nên đổi tên trường từ RMIT thành RMIE thì hơn.
Là một đại học lừa đảo mà những thầy cô trình độ thấp dạy cho những học sinh yếu kém cách viết những bức thư tầm phào rồi thu tiền học phí ngất ngưởng.
Đương nhiên là ở nước khác thì những trường có học phí thấp , ai cũng có thể dự thi , nhưng lại khó nhập học do thi đầu vào khó sẽ là những trường được đánh giá cao nhất.
Ngay từ đầu cần biết, người ta được lợi lộc gì khi vào học trường mà chỉ cần trả tiền là ai cũng vào được ? Tôi nghĩ vào đại học thế này chỉ chứng minh cho người ta biết mình là người không biết sự đời , ngu dốt và bị trường lừa tiền mà thôi, các bạn không nghĩ như vậy à?

Trước đây tôi có nói chuyện với một người quen đang kinh doanh công ty IT về trường đại học ở Việt Nam.
Anh ấy nói “Có trường đại học dở hơi ở Việt Nam gọi là RMIT , thiết kế cũng vậy, nghiên cứu cũng thế, chẳng làm được gì , làm được nửa năm là nghỉ luôn, trả tiền 200USD một tháng thuê làm trực điện thoại thì ok . ”
Học sinh tốt nghiệp RMIT làm việc nhận lương 200USD một tháng thì trước khi kiếm được đủ phần tiền học phí đã trả thì đã đến lúc lìa đời rồi còn đâu ?
Thêm một điều nữa, liên quan tới VISA của Singapore. Ở Singapore có thứ gọi là Working holiday Visa (WHV), là VISA được cấp cho những người trẻ hưởng thụ kỳ nghỉ dài một năm không cần làm việc.

Nhiều học sinh nước ngoài lấy WHV rồi nghỉ dài ở Singapore , tham gia các hoạt động tình nguyện và tận hưởng cuộc sống, tôi có anh bạn người quen là học sinh người Úc của trường RMIT bị trượt VISA loại này.

Anh bạn tôi bị người ở cục Quản lý xuất nhập cảnh Singapore nói rằng “Đại học RMIT mà cậu tốt nghiệp là đại học hạng thấp của thế giới nên không thể làm được VISA kiểu này. VISA này là dành cho những học sinh đại học nổi tiếng trong top 200 “.
Sau khi trường RMIT này mở đại học ở Việt Nam thì rớt hạng từ 50 xuống 300, ngay cả bây giờ mỗi năm đều bị tụt hạng cả.

Trường này không giống như ANU là nâng cao chất lượng học sinh bằng cách giới hạn số lượng sinh viên được coi là khách hàng, mà đào tạo ra những học sinh không có năng lực để kiếm lời trong thời gian ngắn, nên các công ty cũng không đánh giá cao và bị tụt hạng.

Chẳng phải người thiệt thòi nhất là những học sinh nghiêm túc người Úc tốt nghiệp RMIT đó sao.
RMIT từ một đại học vô danh đã trở thành một đại học “Nổi tiếng dốt nát”.