Category Archives: Ngoại ngữ (tiếng Anh, English)

Trường đại học “phải công khai”

Đọc hướng dẫn ở đây và tải công văn ở trang này.

Theo văn bản này thì mọi người đều có quyền được biết thông tin không cần đòi hỏi. Tất cả phải được đăng công khai trên trang web của mỗi trường ở mục 3 công khai. Tưởng vậy mà hổng phải vậy. Hóa ra cũng chẳng có cái khỉ mốc gì là mới, nếu nhìn vào cái bảng đính kèm. Công khai cơ sở vật chất, học phí, điều kiện này nọ thì làm quái gì có cái gì mới, toàn bình mới rượu cũ. Đơn giản là chẳng ai biết sinh viên tốt nghiệp đi làm gì và bao nhiêu phần trăm làm đúng nghề. Trường lớp thì có đẻ ra diện tích được đâu. Số lượng sinh viên thì theo chỉ tiêu của Bộ rồi… Cái cần công khai thì lại chả thấy đả động gì tới cả. Cam kết chất lượng á? Cam làm quái gì khi mà ngay cả muốn có một chỗ vào ngồi học cũng còn phải tranh đấu cật lực thì cần gì phải “cam kết”, phải nỗ lực chứ!

Chán một cục luôn. Văn với chả bản

Cơ bản mà nói lương thưởng của các cán bộ cũng phải được công khai. Vậy số lương hàng tháng và số thu nhập ngoài lương thì sao nhỉ? tây nó đồn là có người giữ một vị trí nào đó thì ngoài lương, phụ cấp theo nhà nước, còn có thu nhập định kì theo quy chế chi tiêu nội bộ, ngoài ra còn những khoản lên tới hàng trăm triệu thậm chí hàng tỉ đồng tùy theo mức độ, tần suất tổ chức các kì thi, các hội đồng bảo vệ đề tài khoa học, bảo vệ luận án v.v. mà hiển nhiên có “chân” mà không nhất thiết phải có mặt

Ấy là còn chưa kể các khoản khác như tham gia dự án này (liên kết đào tạo trong, ngoài nước), dự án nọ (xây dựng cơ bản, mua sắm vật tư, trang thiết bị ) …

Hay các vụ đi nước ngoài vô tội vạ bằng ngân sách của nhà trường…. trong khi đó giảng viên thì bị chi li tới từng xu, hội thảo hội nghị khoa học là điều mơ tưởng hão huyền nếu không bỏ tiền túi ra mà tự túc…

Không chỉ là trường học, mà còn viện nghiên cứu nữa….

Kính gửi: – Các đại học, học viện.

– Các trường đại học, cao đẳng.

Thực hiện Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/05/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế công khai đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đại học, học viện, các trường đại học và cao đẳng tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quy chế công khai trong năm học 2013-2014. Sau đây là một số điểm cần lưu ý khi thực hiện Quy chế này:

1. Về nội dung công khai.

a, Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế:

Công khai cam kết chất lượng giáo dục đối với các bậc đào tạo hệ chính quy; Cam kết các điều kiện mà sinh viên được thụ hưởng khi vào học tại trường theo biểu mẫu 20. Ghi chi tiết mỗi ngành học theo một biểu mẫu.

Công khai chất lượng giáo dục thực tế về tỷ lệ sinh viên hệ chính quy tốt nghiệp năm 2012 có việc làm theo biểu mẫu 21. Ghi chi tiết theo từng trình độ đào tạo.

Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục (nếu có)
b, Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục:

Về cơ sở vật chất: Công khai diện tích sàn xây dựng phục vụ trực tiếp cho quá trình đào tạo theo biểu mẫu 22.
Về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên: Công khai đội ngũ giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn theo biểu mẫu 23.

c, Công khai tài chính:

Công khai tài chính theo biểu mẫu 24. Công khai kết quả kiểm toán (nếu có).

(Các mẫu biểu công khai xem phụ lục gửi kèm)

2. Về hình thức công khai:

Các trường hợp thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử của trường và công khai tại trường. Lưu ý các trường cập nhật thông tin mới của năm học 2013-2014.

3. Về báo cáo công khai gửi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Đề nghị các tường gửi thông tin công khai theo mẫu biểu tổng hợp gửi kèm theo công văn này(Không gửi toàn bộ nội dung thực hiện công khai của trường) về Bộ Giáo dục và Đào tạo theo địa chỉ: Vụ kế hoạch – Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, số 49 – Đại Cồ Việt, Hà Nội, và gửi file mềm về địa chỉ Email:dtvan@moet.edu.vn. Thời hạn gửi trước ngày 30/11/2013. ĐT: 04. 38694075./.

Lí do khẩn cấp để học tiếng Pháp

Chữ thầy lại giả cho thầy. Mấy cua tiếng Pháp của mình ở L’Espace đã không còn để lại dấu ấn gì ngoài việc nhận biết đoạn clip cười dưới đây là bằng tiếng Pháp, và đang dùng ngôn ngữ của đồng chí X để gây cười trên truyền hình.

Giá mà có ai đó chuyển dịch giúp cho hoặc đưa subtitle bằng tiếng Anh cho bà con hiểu nhở.

Tuy nhiên, vẫn có thể cảm nhận rõ qua những âm từ lặp lại, qua hành động quơ tay của đồng chí X đòi phiên dịch vì đồng chí không nghe được nhưng lại bị diễn dịch thành yêu cầu đóng/mở cửa, qua cách đồng chí phát âm tên ngài Thủ tướng Pháp thành Giăng Mắc ê rô – Hội phóng viên lặp lại cái âm này rất nhiều, khiến cho một người Việt bất kì suy luận đồng chí gọi tên ông TT là đồng tiền chung châu Âu.

Đành rằng nguyên tắc của phát biểu ngoại giao là bằng tiếng mẹ đẻ, nhưng dù gì nước ta cũng là một nước trong khối francophone, quan chức ngoại giao của một quốc gia cũng nên võ vẽ vài ba ngoại ngữ, không cao siêu nhưng chào hỏi hay giao tiếp thông thường là cần thiết mà.

Đoạn clip này cho thấy rõ, một quan chức ngoại giao cao cấp mà kém cỏi trong ứng xử ngoại giao. Qua đoạn clip cũng thấy rõ sự lúng túng, mất bản lĩnh của đồng chí X

Và mình thực sự shocked với câu phát biểu hùng hồn của đồng chí X: Tôi vui lòng được trở lại nước Pháp ở châu Âu và trên thế giới!

Ôi cha ôi là mẹ. Có nước Pháp ở châu Phi nữa a? Và có cả nước Pháp ở Việt Nam a?!?!? Vãi linh hồn với đồng chí, thế mà đại diện cho dân Việt Nam hehehe

Mình phải ôn lại tiếng Pháp thôi…. Đọc kiểu gì cũng còn hiểu được qua hỗ trợ này nọ, chứ âm thanh thì chịu chết rồi. Có ai biết tiếng Pháp dịch đoạn này giúp cho được không nhở

Cử nhân ngoại ngữ tiếng Anh hệ phi chính quy phải được thi cao học trong nước

Không ai phủ nhận chất lượng đào tạo của VN càng ngày càng có vấn đề. Chứng minh rõ nhất là hàng loạt cử nhân thất nghiệp. Hàng loạt thạc sĩ phải giấu bằng chấp nhận đi làm “cu li” (với nghĩa lao động chân tay). Người đọc tự gúc mà tìm chứng minh nhé)

Không ai phủ nhận, chất lượng đào tạo tại chức của VN càng ngày càng có vấn đề. Chứng minh rõ nhất là càng ngày càng có nhiều cơ quan tẩy chay bằng tại chức. Số lượng người học tại chức nói riêng, hệ phi chính qui nói chung, càng ngày càng giảm đáng kể. Bộ Giáo dục năm nay còn kiên quyết hạ chỉ tiêu đào tạo hệ này xuống bằng 1/2 số lượng chính qui. Mình tán thành giảm tối đa nếu không ai muốn cải thiện chất lượng đào tạo hệ này.

Không giảm mới là chuyện lạ. Với chương trình học như vậy, với thái độ coi thường tại chức của chính nơi đẻ ra nó như vậy (tiền thu nhiều nhưng không thèm quan tâm tới điều kiện học tập, bao giờ cũng bị xếp hàng sau cùng tận trong moij dịch vụ) thì còn tiếp tục học … có họa là bị điên.

Trong khi cả xã hội đang cần ngoại ngữ mà cứ bám vào một cái không có gì thay đổi, bị người ta quay lưng cũng là lẽ bình thường nhưng … đáng xấu hổ.

Tuy nhiên, tiêu đề của mục này muốn nói một cái khác.

Trong tất cả các hệ đào tạo, duy nhất chỉ có Y khoa và Ngoại ngữ tại chức là KHÔNG ĐƯỢC HỌC SAU ĐẠI HỌC CỦA VIỆT NAM.

Vô lí đùng đùng!

Ngành y khoa mình không nói vì nó liên quan tới số phận con người, khống chế nghiêm khắc là tốt, nhưng riêng ngành ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, việc cấm này vô lí  nhất trong các loại vô lí. Nó thể hiện sự ngu ngốc lớn lao của những người đề xuất và thông qua cái quy định củ chuối, và quái gở đó.

Vì sao có thể mạnh mồm nói vậy?

Đơn giản vì tiếng Anh là cái tiếng duy nhất hiện nay có hệ thống đánh giá năng lực ngôn ngữ chuẩn mực quốc tế và vô cùng đa dạng. Dù có học hệ gì chăng nữa thì vẫn có thể kiểm tra năng lực người học tiếng Anh một cách dễ dàng, và tương đối chính xác. Nếu ai đã từng biết quy trình ra đề, tổ chức thi cử, chấm bài thế nào mới có thể hiểu rõ tại sao mình nói vậy.

Mặc dù một số thứ tiếng khác cũng có bài kiểm tra năng lực đánh giá trình độ, nhưng mình không hiểu biết nhiều nên không dám khẳng định.

Chẳng hạn, tiếng Nga có hệ TRKI (bài kiểm tra năng lực tiếng của người Nga thiết kế, nhưng mình lại không dám tin hệ này lắm, vì nghe nói, có cả người Việt thiết kế đề… và cứ cái gì có người Việt, do người Việt tổ chức thi cử thì mình không bao giờ tin, trừ khi đó là mình). Tương tự thế với HSK và một vài thứ tiếng khác. Hơn nữa, số lượng thí sinh thi cũng hạn chế, mà quy trình ra đề khác hẳn của bên tiếng Anh nên có thể kém độ tin cậy hơn.

Người Nhật có hệ thống đánh giá năng lực tiếng Nhật, do người Nhật tổ chức, có thể tin cậy. Tuy nhiên, theo chỗ mình biết, hệ thống bài này đánh giá dựa theo format của TOEFL paper-based, một dạng thức đã bị ETS (cơ quan kiểm định năng lực tiếng của Hoa Kì) thay thế bằng hình thức mới Ibt với đủ 4 kĩ năng, trong khi bài thi năng lực tiếng Nhật vẫn ở dạng cũ, không có kiểm tra speaking.

Tiếng Pháp có hệ DELF nhưng mình mù tịt hoàn toàn về cái này nên cũng không dám nhận định.

Thế nên, nếu đã là cử nhân tiếng Anh, nên chấp nhận cho thi cao học, thạc sĩ dù đó là phi chính quy. Đơn giản vì nó là cái thứ ngành duy nhất có thể dễ dàng kiểm định năng lực người học khách quan nhất, chính xác nhất so với tất cả các ngành khác được phép học sau đại học của Việt Nam. Đương nhiên với điều kiện: trình chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế song song với bằng tốt nghiệp.

Tất nhiên, trong số tốt nghiệp tại chức tiếng Anh, đại đa số vẫn có trình độ yếu. Nhưng vẫn có những sinh viên tương đối xuất sắc. Vậy thì đừng vì một vài lí do vớ vẩn để ngăn cản những người học tại chức tiếng Anh, không cho họ thi sau đại học (vô hình đẩy họ vào cái hệ liên kết, vốn mất khá nhiều tiền mà chất lượng chưa chắc ai hơn ai).

PS: Theo quy định, cử nhân ngoại ngữ, cử nhân Y khoa không được học cao học trong nước.

Sau khi tốt nghiệp hệ phi chính quy, họ có thể được học một lớp chuẩn hóa, rồi một khóa sau đại học, nhưng không được học tiếp để lấy bằng thạc sĩ hay tiến sĩ.

Ngoài hai ngành trên, các cử nhân phi chính quy sẽ đi theo con đường chuẩn hóa, sau đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Chính cách đi này khiến cho chất lượng cán bộ đào tạo của VN càng ngày càng khủng khiếp và nhiều người học thật bị đánh đồng vào đội ngũ học rởm. Hay có những người lười không đi học, ỷ thế vào việc đó để chê bai những người đi học khác… Tóm lại tình trạng rất là lộn xộn.

Kỉ luật giáng chức – cho làm giảng viên

Báo Thanh niên đưa tin ở đây

Một trường học ở phương tây, hai nhân tố được chú trọng hàng đầu là giảng viên và thủ thư (qua cái gọi là học đường và thư viện). Phụ huynh nhìn vào thư viện, vào đầu sách để đánh giá chất lượng trường. Nhưng ở nhà mình thì khác.

Đã có lúc chứng kiến, giảng viên bị kỉ luật đưa về làm việc ở thư viện. (Tra danh mục giảng viên đã từng làm việc ở thư viện ĐHNN HN là ra). Tất nhiên, số người bị chuyển làm nhân viên thư viện cũng có thể là nguồn khác: thừa biên chế. Ví dụ, sau khi khoa Đông Âu và LHS Nga giải tán thì một số giảng viên được chuyển làm thủ thư. Một số giảng viên dính líu tới chuyện bồ bịch một thời nào đó, cũng vậy. Hay có người đơn giản sinh con nhiều hơn quy định, hay là tham ô móc ngoặc gì đó, hay là thừa biên chế thì chuyển phòng ban (tổ chức, quản trị, nhà ăn, bảo vệ, trực công đoàn, đánh trống báo giờ)… Hết thời gian kỉ luật, hoặc khi có cơ hội việc làm trở lại thì lại về làm giảng viên. Trường hợp này khoa Nhật hay khoa Trung cũng nhiều… Có lần thầy QH còn vui vẻ kể lại: ngày xưa tôi đi oánh nhau về bà L (vợ cũ của thầy), sau tôi bị đi làm thư viện mấy năm 😉 … Thầy V thì có lần bảo: Anh mới về trường chỉ được phân loăng quăng làm thư viện băng, chứ có được đi dạy đâu… Rồi một lô một lốc các cô khác cũng đã từng “bị” làm việc ở thư viện băng cả.

Hôm nay đọc tin lại thấy giáng chức giám đốc vì nhì nhằng tài chính về làm giảng viên đại học y dược…

Hóa ra giảng viên là cái thùng nước gạo, là nơi chứa đủ mọi giai tầng…

Thật không khôi hài tí nào khi ai đó vẫn đùa, cẩn thận đó không bị giáng xuống làm giảng viên!

Vậy nên mình tự nhận làm nhân viên quét lớp học chứ thực ra có khi bị kỉ luật rồi mới được làm giảng viên ý chứ.

Hehehe

Tại sao phải vỡ mộng khi học bằng kép?

Bài tham khảo ở đây:

Bình luận:

Thi vào khoa tiếng Anh – bằng đương nhiên sẽ là cử nhân tiếng Anh.

Thi vào khoa đào tạo chuyên ngành bằng tiếng Anh – bằng đương nhiên sẽ là cử nhân ngành học.

Giả sử học tiếng Anh và tiếng Anh chuyên ngành. Bằng sẽ gọi là cử nhân và tên gọi người tốt nghiệp là cử nhân ngoại ngữ (ngành tiếng Anh, hay bây giờ gọi là ngôn ngữ Anh)

Học nghiệp vụ ngân hàng hay xyz, học bằng bất cứ tiếng gì (công cụ), bằng sẽ ghi là Cử nhân và tên gọi là cử nhân x y z (tài chính, ngân hàng hay Kế toán viên…), đương nhiên không ai ghi kế toán viên tiếng Anh, hay kĩ sư tin học tiếng Anh…

Trường hợp của ULIS – chuyên ngành kép, nếu chương trình học song song, đào tạo tiếng Anh và đào tạo nghiệp vụ ngân hàng, kinh tế v.v. bằng tiếng Anh thì đương nhiên phải là: Bằng cử nhân và cấp danh hiệu Cử nhân ngoại ngữ, và cử nhân kinh tế. Tuy nhiên, xét về mọi phương diện, và theo tin đồn học tiếng 70%, học tiếng Anh chuyên ngành 30% thì chẳng có lí do gì để cấp Bằng cử nhân và trao danh hiệu (title) là Cử nhân tiếng Anh và Cử nhân tài chính, ngân hàng. Thay vào đó, chỉ có thể là Cử nhân ngoại ngữ. Còn tiếng Anh gì đi nữa thì vẫn chỉ là Tiếng Anh mà thôi. Một chuyên ngành hẹp của đào tạo tiếng nói chung.

***

Các trường chuyên ngữ hiện nay có vẻ đang lấn bấn về chương trình đào tạo. Họ chưa tìm ra một hướng đi tốt để cải thiện tình hình nên cứ quanh quẩn với mấy chương trình không có mục tiêu đào tạo nghề. Như vậy đây là lần thứ hai, chính Đại học Quốc gia Hà Nội, được chứng kiến có sự mập mờ trong thông báo liên quan tới tuyển sinh và quảng bá hoạt động của trường.

1. Hợp tác giữa ULIS và BC trong việc tuyển mộ thí sinh thi IELTS. Lần đó, người viết bài này đã hiểu là ESOL Cambridge có sự ngoại lệ khi cho phép ULIS là một đơn vị tổ chức thi IELTS như một đại diện của ESOL Cambridge, trong khi trên thực tế, chỉ là Đơn vị ghi danh thí sinh thi IELTS cho BC.

2. Hợp tác giữa ULIS và HEU trong việc đào tạo liên kết ngành học. Giáo viên ULIS đào tạo tiếng và giáo viên HEU đào tạo nghiệp vụ. Trên thực tế, sinh viên chỉ được học tiếng Anh chuyên ngành do giáo viên HEU dạy, chứ không phải là được đào tạo các nghiệp vụ bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, còn một vài thông báo khác liên quan tới khoa Quốc tế nhưng không tiện phân tích tại đây.

*********

Đào tạo chuyên ngữ tới giờ không còn như những năm trước 90 nữa, khi Việt Nam cần đội ngũ học ngoại ngữ chuyên nghiệp. Ngày nay ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh chỉ nên học như một công cụ để phục vụ mục đích nghề nghiệp.

Đào tạo ngoại ngữ chuyên nghiệp chỉ thích hợp với các đối tượng học tiếng để làm nghề giảng dạy. Nghề phiên dịch nói thẳng là không đào tạo đại trà được. Hơn nữa, biên phiên dịch là mảng làm nhiều thì quen – kiểu trăm hay tay quen, do vậy, hoặc phải đào tạo chuyên nghiệp như MGIMO của Nga (chọn học viên giỏi tiếng nhất, đào tạo 1-1 với phiên dịch đỉnh cao, chứ không phải lấy sinh viên vào trường vừa đào tạo tiếng vừa đào tạo phiên dịch – như vậy chỉ làm được với tầm vừa vừa mà tương lai chả ai cần loại vừa vừa ấy mà không có nghiệp vụ gì khác). Tất nhiên, nguồn cũng phải lấy từ khi vào học, nhưng ai được học và học khi nào, học thế nào là cái quyết định.

Nghề biên dịch thì lại càng không nên đào tạo vì cái này nó phụ thuộc vào cá nhân rất nhiều. Khi người ta giỏi ngoại ngữ và giỏi tiếng mẹ đẻ, lại có thêm đam mê thì sẽ tự khắc dịch được. Dịch văn học khó mà đào tạo theo trường lớp. Rất nhiều dịch giả giỏi chắc chưa mấy ai qua các trường đào tạo chuyên nghiệp. Đó là chưa kể, mảng dịch văn học hiên nay còn bị bỏ lửng ở hầu hết các trương chuyên ngữ, dù chủ trương đào tạo biên phiên dịch.

Các trường khi đi tuyển sinh chỉ chú trọng làm sao tuyển sinh được nhiều nên cố lái học sinh và phụ huynh vào các ngôn từ khó hiểu với người ngoài ngành như bằng kép, chuyên ngành nọ chuyên ngành kia. Học sinh và phụ huynh không thể lường hết được các khó khăn mà sinh viên chuyên ngữ hiện nay gặp phải: đi lòng vòng để tới một cái đích không mấy lợi thế. Tất cả chỉ để bao biện cho cái lúng túng với chính các cơ sở đào tạo.

Phụ huynh và học sinh cần nhớ: học tiếng Anh kinh tế, tiếng Anh thương mại, tiếng Anh tài chính ngân hàng hay khoa học công nghệ v.v. thì tất cả vẫn chỉ là một ngành hẹp của đào tạo tiếng Anh thôi chứ không phải là đào tạo nghề nghiệp đó. Do vậy, sẽ là tất yếu khi mà các cơ quan kinh tế như tài chính, ngân hàng…  không chấp nhận ngành này (tiếng anh chuyên ngành xyz) như một người có bằng nghiệp vụ. Nói cách khác cho dễ hiểu hơn: đào tạo nghiệp vụ bằng tiếng gì không quan trọng, tên hiệu trên bằng chỉ ghi nghiệp vụ (nghiệp vụ làm nghề). Đào tạo tiếng thì đương nhiên ghi tên hiệu đào tạo tiếng (tiếng làm nghề).

Con đường ngắn nhất với sinh viên: chọn một ngành có đào tạo nghề cụ thể để học. Sau đó, học thêm ngoại ngữ theo một chứng chỉ quốc tế. Phổ biến nhất là IELTS hay TOEFL. Với các chứng chỉ này thì nên thi quốc tế, chứ không nên đặt mục tiêu vào các chương trình tiếng của Bộ giáo dục vì như vậy vừa mất thời gian, vừa kém hiệu quả. Tất nhiên, học theo chứng chỉ quốc tế là học thật, thi thật nên giá thành cũng cao hơn và đòi hỏi nhiều công sức, có khi là cả tài chính nhiều hơn.

Cũng không nhất thiết phải học các ngành đó bằng tiếng Anh vì thứ nhất đòi hỏi tiếng Anh phải giỏi rồi mới nên học bằng nó hiệu quả. Mục tiêu là giỏi chuyên môn nên cứ đọc sách và học bằng thứ ngôn ngữ dễ hiểu nhất với mình. Hơn nữa, các tài liệu kinh tế bằng tiếng Anh có thể tốt với chuẩn mực quốc tế, nhưng thượng tầng kiến trúc của Việt Nam hiện giờ chẳng giống ai, nền kinh tế được điều hành theo kiểu nửa nọ nửa kia (kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa) nên khá “lệch pha” với các sinh viên học theo “chương trình tư bản”… Điều đó cũng có nghĩa, cái gì là tốt ở nước ngoài thì chưa chắc có thể phù hợp với đường hướng quản lí và làm kinh tế ở Việt Nam… Âu đó có khi cũng là một bất cập lớn mà chỉ có sinh viên là người phải trả giá  (nhất là với đối tượng chưa đủ tầm để kiếm việc với các công ti nước ngoài)….

Hi vọng với những lời thiển cận thô lậu này giúp phần nào giải tỏa ấm ức của phụ huynh sinh viên khi đã lỡ cho con học bằng kép, để khỏi phải ảo mộng và như vậy không phải lo mình “vỡ mộng”.

ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN: Sinh viên “vỡ mộng” vì ngành học kép?

(Dân trí) – Sinh viên ngành Tiếng Anh (721) thuộc khóa QH2009 vừa nhận bằng tốt nghiệp đã vô cùng thất vọng vì tưởng rằng sẽ được nhận bằng kép liên kết đào tạo giữa trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội.

“Choáng” khi nhận bằng tốt nghiệp!

Trong thư phản ánh gửi tới báo điện tử Dân trí, tập thể sinh viên của các lớp ngành Tiếng Anh (721) thuộc khoá QH2009, chuyên ngành Tiếng Anh Tài chính – Ngân hàng, Tiếng Anh Kinh tế đối ngoại, Tiếng Anh Quản trị kinh doanh trình bày: “Năm 2009, Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN bắt đầu tuyển sinh năm đầu tiên cho chương trình đào tạo Tiếng Anh mới, bao gồm các chuyên ngành Tiếng Anh Kinh tế đối ngoại, Tiếng Anh Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh Tài chính – Ngân hàng. Chúng em là khóa đầu tiên thuộc chương trình đào tạo này. Theo biên chế của nhà trường, chúng em thuộc khoa Sư phạm Tiếng Anh, nhưng chuyên ngành là Tiếng Anh Kinh tế đối ngoại, Tiếng Anh Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh Tài chính – Ngân hàng.

Việc phân rõ các chuyên ngành Tiếng Anh như trên đã được ghi trong giấy báo nhập học đại học và thẻ sinh viên của chúng em cũng như trong các thông báo bằng văn bản khác. Đây là chương trình ngành kép (double majors) liên kết đào tạo giữa bên trường ĐH Ngoại ngữ với trường ĐH Kinh tế thuộc ĐHQGHN”.

Sinh viên N.L.L cho biết: “Trong quá trình học, chúng em được đại diện của nhà trường nói chuyện về chương trình học cũng như định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Trong buổi nói chuyện, lãnh đạo nhà trưỡng đã nói rằng: “Bằng Tốt nghiệp Đại học của chúng em sẽ được ghi là: Tiếng Anh – Kinh tế đối ngoại hoặc Tiếng Anh – Quản trị kinh doanh hoặc Tiếng Anh Tài chính – Ngân hàng và sẽ có chữ ký của Hiệu trường trường ĐH Ngoại ngữ và Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế. Việc ký tên từ bên trường Đại học Kinh tế sẽ xác nhận việc các môn đào tạo về kinh tế mà chúng em được học do các giảng viên bên trường Đại học Kinh tế giảng dạy”.

Trên thực tế, những sinh viên này đã học các môn kinh tế theo khung chương trình Tiếng Anh Kinh tế mà nhà trường đã thông qua dưới sự giảng dạy của các giảng viên bên trường ĐH Kinh tế – ĐHQGHN. Tuy nhiên, khi nhận bằng cử nhân, các em chỉ được nhà trường cấp bằng công nhận Ngành Tiếng Anh, kèm theo đó là bảng điểm có ghi chuyên ngành Tiếng Anh – Tài chính Ngân hàng và một giấy chứng nhận đã học chương trình liên kết với ĐH Kinh tế – ĐHQGHN.

Nhóm sinh viên bức xúc than rằng: “Nhận các văn bằng trên đã gây bất lợi rất lớn đến tương lai của chúng em. Với bằng tốt nghiệp ghi ngành Tiếng Anh này, chúng em không thể học lên Cao học Kinh tế được vì trường tuyển sinh trên tiêu chí “chỉ xét ngành học” ghi trên bằng Cử nhân để tuyển, mà không chấp nhận bảng điểm hay chuyên ngành của sinh viên ngành kép Tiếng Anh – Kinh tế trường ĐH Ngoại Ngữ. Không chỉ thế, việc học Cao học Ngôn ngữ Anh ngay chính trường vừa tốt nghiệp chúng em cũng không đủ điều kiện tham gia xét tuyển với lý do đã học ngành kép Tiếng Anh – Kinh tế nên không được đào tạo ngôn ngữ thứ 2 giống như Khoa sư phạm, trong khi yêu cầu xét tuyển Thạc sĩ Ngôn ngữ Anh đòi hỏi phải có chứng chỉ một ngoại ngữ khác. Tấm bằng chỉ ghi ngành Tiếng Anh đã hạn chế chúng em trong vấn đề xin việc vào khối tài chính – ngân hàng”.

Được biết, tập thể sinh viên ngành Tiếng Anh (721) thuộc khoá QH2009 đã có đơn khiếu nại sự việc trên tới Giám đốc ĐHQGHN và Ban giám hiệu ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN và đề nghị: “Nhà trường thu hồi bằng đã cấp để cấp lại tấm bằng ghi chuyên ngành: Tiếng Anh Tài chính Ngân hàng, Tiếng Anh Kinh tế Đối ngoại, Tiếng Anh Quản trị Kinh doanh. Nếu không thể đáp ứng kiến nghị trên, xin hãy cho giải pháp để được cấp thêm bằng cử nhân Kinh tế do trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia cấp”.

Trao đổi với PV Dân trí, phụ huynh N.T.L buồn rầu than rằng: “Trong thời gian sau khi ra trường, con tôi đã nộp đơn xin thi tuyển vào các Ngân hàng, Bộ tài chính, cũng như các Công ty tài chính. Các đơn vị này không nhận con tôi vì bằng chỉ ghi có ngành Tiếng Anh, không đáp ứng được yêu cầu tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng của họ.Tôi rất thất vọng khi đầu vào trường ĐHNN – ĐHQGHN lấy điểm rất cao cho chuyên ngành liên kết Tiếng Anh Kinh tế và hứa hẹn một tấm bằng ghi Ngành kép Tiếng Anh – Tài chính Ngân hàng, hứa hẹn một tương lai con tôi không chỉ được tiếp tục học tập lên cao mà còn được làm việc trong các lĩnh vực Kinh tế – điều mà ngược lại với hiện thực bây giờ của con tôi”.

Lãnh đạo nhà trường giải thích!

Trao đổi với PV Dân trí, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN cho biết: “Chương trình mà các em theo học gọi là “double major program”, tức là có hai Major, được thiết kế dựa trên hai chương trình đào tạo (academic program) giảng dạy trong thời gian của một khóa học. Như vậy, nó là sự tích hợp của hai chương trình (program), có ưu thế mà hai major trong hai chương trình mang lại: năng lực tiếng Anh và một trong các chuyên ngành kinh tế. Đây cũng là xu hướng của nhiều trường ĐH trên thế giới thiết kế cho người học, giống như các chương trình Sư phạm Toán của ta: gồm hai major là Toán và Sư phạm để tạo ra một sản phẩm mới gọi là giáo viên dạy Toán (khác với nhà toán học và người chỉ làm công tác sư phạm). Chương trình đào tạo dành cho SV khóa QH2009, trường ĐHNN – ĐHQGHN thực hiện theo Quyết định số 2025/QĐ-ĐT của Đại học Quốc gia Hà Nội về việc ban hành chương trình đào tạo Tiếng Anh (các chuyên ngành Tiếng Anh – Kinh tế đối ngoại, Tiếng Anh – Quản trị kinh doanh, Tiếng Anh – Tài chính-Ngân hàng)”.

Tiến sĩ Minh cho hay, theo quy định của Bộ GD-ĐT, trên văn bằng cấp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp chỉ ghi tên ngành đào tạo (program), tên chuyên ngành đào tạo (major) được ghi trên bảng điểm cấp kèm theo bằng tốt nghiệp. Các sinh viên theo học theo chương trình đào tạo theo QĐ 2025 sau khi tốt nghiệp được cấp bằng Cử nhân tiếng Anh và tên của 3 chuyên ngành được ghi trên bảng điểm.

Về việc học sau đại học gặp khó khăn của khóa sinh viên này, Tiến sĩ Minh khẳng định: “Đối với trường ĐHNN, các sinh viên QH2009 hoàn toàn được phép dự thi vào cao học ngành Ngôn ngữ Anh của trường. Khi dự thi cao học, các em này sẽ dự thi 3 môn (Cơ sở, Cơ bản và Ngoại ngữ 2). Khi tuyển sinh vào đào tạo thạc sĩ, theo quy định hiện hành mọi ứng viên đều phải thi một ngoại ngữ (1 trong 5 NN theo quy định của Bộ GD-ĐT). Trong chương trình học ở bậc đại học, các em thuộc chương trình này không học Ngoại ngữ 2 (vì nếu đưa vào bắt buộc thì chương trình sẽ quá nặng trong thời gian 4 năm) mà học các môn học thuốc khối kiến thức kinh tế để tập trung cho mục đích vừa có năng lực tiếng Anh vừa có kiến thức kinh tế để phục vụ cho công việc sau này. Nếu có nguyện vọng, các SV này có thể theo học các môn học ngoại ngữ 2 (14 tín chỉ) trong trường.

Đối với việc học cao học tại trường ĐH Kinh tế, sinh viên tốt nghiệp ngành Tiếng Anh các chuyên ngành TA-KTQT, TA-QTKD, TA-TCNH được phép thi cao học ngành Quản lý kinh tế tại trường ĐH Kinh tế – ĐHQGHN và cần học một số môn học bổ sung trước khi thi.

Tiến sĩ Minh thông tin, trong quá trình học tại trường, các sinh viên thuộc chương trình đào tạo theo QĐ 2025 được tạo điều kiện tham gia học bằng kép để có thể nhận được bằng chính quy của ĐH Kinh tế ở trường Đại học Kinh tế (ĐHQGHN) và các môn học đã tích lũy trong chương trình đào tạo thứ nhất được miễn ở chương trình đào tạo thứ hai.

“Để tiện trao đổi thêm thông tin, nhà trường sẵn sàng gặp gỡ các sinh viên để chia sẻ, giải đáp các thắc mắc” – Tiến sĩ Minh nói.

Hồng Hạnh

Đề án thay đổi toàn diện giáo dục Việt

Đọc tóm tắt ở đây. Mình cũng cố mò bản gốc mà không thấy ở bất cứ chỗ nào, đành đọc theo nguồn thứ cấp vậy.

Trong Dự thảo này có đề xuất việc trả lại thi đại học cho các trường, có thể xóa bỏ thi đại học, xét tuyển dựa trên kết quả phổ thông với số môn học dự kiến sẽ giảm cơ bản.

Xét từ nhiều khía cạnh, đề án này không khả thi theo chiều hướng khả quan. (có vẻ các cu giờ hay đưa ra các dự án kiểu tung hỏa mù, gọi là “phép thử dư luận”, để họ dễ làm việc thể hiện cái bản não ngu ngốc bằng “đẽo cày giữa đường”).

Muốn xét tuyển đại học theo lối các nước tiên tiến vẫn làm phải thỏa mãn một số điều kiện cơ bản: Không có tiêu cực ở phổ thông, không có tiêu cực ở đại học, không có tiêu cực ở nơi tuyển mộ việc làm. Nói cách khác, nó đòi hỏi một điều kiện học tập giảng dạy làm việc trong sạch, tường minh.

Hiện giờ và tương lai còn dài, chưa biết bao giờ kết thúc, thì những cái điều kiện trên chưa nhìn thấy ở đâu. Trong các phát biểu của quan chức các cấp, của nghị viên v.v. qua các phương tiện truyền thông, vẫn mới dừng ở chỗ “cần phải X cần phải Y” nhưng làm thế nào thì chưa thấy có bất cứ vị nào nói được cụ thể. Đơn giản vì cái cơ chế vận hành xã hội nó vẫn đang luẩn quẩn kiểu “cai tít mù nó lại vòng quanh”.

Phụ huynh hiện nay, và trong tương lai, nhất là có tiền và có vai vế, vẫn dễ dàng tác động vào hệ thống quản lí học sinh trong nhà trường. Tư chất giáo viên theo đúng nghĩa không còn được tin cậy. Cuộc sống tạo ra những tính cách “quỳ” trên nạt dưới, sẵn sàng bất chấp thủ đoạn để được lợi ích cho cá nhân mình (cứ qua các diễn đàn, nghe các giáo viên than thở về từng trường hợp cụ thể của họ, bị ngược đãi, chửi rủa, xỉ vả bởi đồng nghiệp do muốn nịnh bợ thượng cấp của mình thì thấy rõ điều đó).

Hệ thống đánh giá kiểm tra ở đại học ở các nước cũng chủ yếu lệ thuộc vào giảng viên, những người trực tiếp chịu trách nhiệm về nội dung giảng dạy, chất lượng giảng dạy…. Ở Việt Nam, vấn đề này cũng có nhiều bất cập. Hiện tượng phong bì, đi thầy, đi cô diễn ra thường xuyên. Hiện tượng gian dối trong khâu nhập điểm, thi cử cũng không phải là ngoại lệ, hiện tượng nâng đỡ người thân cũng không hiếm… Tóm lại các mối quan hệ vẫn có tác động nhiều tới việc đánh giá nặng lực người học.

Hệ thống tuyển mộ nhân viên khu vực công vẫn còn nhiều đàm tiếu. Mua quan, bán chức, tham ô hối lộ, móc ngoặc, quan hệ thân tộc, quan hệ bằng hữu nhì nhằng quyết định mọi cái… Tóm lại tuyển dụng chưa chú ý tới cái chính là cá nhân người làm việc, mà chú ý tới cá nhân đó trong hệ thống role set, các mối quan hệ mà không chú ý tới năng lực chủ thể làm việc. Hơn thế nữa, một hệ thống các tổ chức đoàn thể xung quanh sẵn sàng đè bẹp cá nhân khi bất lợi cho một chủ thể khác cao hơn… Tóm lại, môi trường làm việc không phải phục vụ công việc, mà hệ thống quan hệ chằng chịt đan xen tạo môi trường vững chắc cho cái khuôn hình của mafia theo kiểu một người vì lợi ích nhóm, cả nhóm ví lợi ích của cái bang. Nếu không thuộc “cái bang” thì lập tức bị văng ra khỏi guồng và sẵn sàng bị “hội đồng”

Việc trả lại tuyển sinh cho các trường đại học là đúng. Nhưng việc này lại quay về đường cũ trước khi ba chung. Nạn lò luyện đại học ở các trường chỉ khi có ba chung mới được dẹp bỏ. Nay lại “lối cũ ta về”. Xem ra các chính sách của Bộ cứ thay đổi xoành xoạch như mốt thời trang, hết quần loe tới quần tuýp, rồi lại loe rồi lại tuýp, hay áo dài lúc lửng lúc lượt thượt, cổ lúc cao lúc mỏng, tóc lúc tém lúc buông…. Vui vãi hàng.

Chưa hết, bớt các môn học đi rồi thì giáo viên các môn học đó lại chen nhau đi đánh trống, mà trống trường thì chỉ có một, hay lại thêm một cơ hội nữa núp dưới chiêu bài sàng lọc giáo viên, để mà lại có cơ hội “đút cho đầy túi tham”, hay  là mở thầu công chức, vì hiện giờ chắc chỉ có công chức là “ngon”, Đà Nẵng, 900 ngàn dân mà có tới 3200 công chức?!?

Mù mịt quá…