Daily Archives: March 21, 2012

Nên học ngoại ngữ gì sau tiếng Anh?

Tiếng Anh ngày nay đã quá phổ biến, không thể không học. Nhưng cần phải học đến đâu là tối thiểu và khi nào thì nên bắt đầu học một ngoại ngữ khác?

Thực ra cũng không cần phải cho con học tiếng Anh quá sớm. Học sinh nên biết tiếng mẹ đẻ thành thạo trước, rồi học ngoại ngữ sau.

Nghiên cứu cũng đã chứng minh từ lâu, không nhất thiết cứ học ngoại ngữ sớm thì tốt. Để học tốt ngoại ngữ, người học cần có kinh nghiệm học và có đủ nhận thức để tiếp thu. Trẻ em tuy nhớ nhanh nhưng lại quên nhanh và chỉ có khả năng nổi trội hơn là phát âm hơn người lớn. Thế nên nếu cho trẻ bắt đầu học ngoại ngữ quá sớm thì có thể ảnh hưởng tới các vấn đề như là loạn ngôn do bị rối loạn chuyển mã.

Tuổi nào thì nên bắt đầu học ngoại ngữ?

Theo kinh nghiệm của gia đình thì con gái mình tới năm lớp 6 mới bắt đầu học tiếng Anh (mặc dù lớp 2 mình đã cho con học tiếng Pháp, được giáo viên cho rằng có khả năng phát âm tiếng Pháp đặc biệt tốt). Ngay sau đó một thời gian, mình đã cho con dừng hoc tiếng Pháp. Và cũng phải tới lớp 8 mới bắt đầu kiếm gia sư kèm thêm ngữ pháp cho môn tiếng Anh. Thời gian dành cho tiếng Anh chủ yếu là đoc sách bằng chính ngôn ngữ này, lúc đầu là các truyện đơn giản, sau là tiểu thuyết.

Tới lớp 12 thì đã thi IELTS và có kết quả khá cao. Riêng nói được 8 điểm. Ấn tượng của mấy cô IDP là giáo viên đã rất ấn tượng với một thí sinh có khả năng giao tiếp rất tốt.

Con gái tự luyện nói bằng cách ghi âm các bài nói và tự chỉnh thời gian cũng như cách trình bày.

Như vậy, hết phổ thông trung học thì tạm gọi là ổn với tiếng Anh. Cứ có khoảng 7.0 IELTS coi như ổn rồi và vào đại học thì không cần phải học tiếng Anh nữa mà dành thời gian cho một ngoại ngữ khác.

Học ngoại ngữ nào là tùy thuộc vào cá nhân và sở thích riêng.

Nhưng nếu muốn tiết kiệm thời gian và sức lực thì nên học theo các hệ ngữ cùng họ.

Tiếng Anh thuộc họ Ấn-Âu, thế nên, sau tiếng Anh có thể học tiếng Đức hoặc các thứ tiếng Bắc Âu. Gần hơn nữa thì học tiếng Pháp bởi số lượng từ vay mượn của tiếng Pháp trong tiếng Anh rất nhiều (khoảng 26-29%). Tiếng Pháp thuộc Ấn-Âu nhưng dòng italic, do vậy, các thứ tiếng thuộc hệ latin như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia hỗ trợ nhau nhiều và người học sẽ cảm thấy độ khó giảm dần khi học các thứ tiếng tương ứng.

Còn nếu bắt đầu học thêm tiếng hệ slavơ thì tiếng Nga, Ba Lan, Séc, Bungari

Các thứ tiếng hệ Ấn -Âu có chung lượng từ vựng khá lớn và sau khi học tiếng Anh thì học bất cứ ngôn ngữ nào thuộc hệ này đều dễ dàng hơn.

Nếu bắt đầu học các thứ tiếng tượng hình tượng thanh thì nên bắt đầu từ tiếng Trung, sau đó tiếng Nhật, tiếng Hàn thì cũng giản lược được nhiều khó khăn.

Phải thừa nhận một điều, sự biến dạng nguyên thủy của tiếng Việt khiến cho người Việt bị mất nhiều lợi thế khi học ngoại ngữ (cũng như nhứng người khác học tiếng Việt như một ngoại ngữ).

Như vậy, học ngoại ngữ gì trước hết là do sở thích, do nhu cầu chủ quan và khách quan. Nhưng trong trường hợp chỉ học ngoại ngữ như một sở thích thì nên chọn học các loại ngôn ngữ cùng họ với ngôn ngữ mình đã biết thì sẽ giảm thiểu thời gian đáng kể bởi sự chia sẻ các đặc điểm giống nhau giữa các ngôn ngữ liên quan.

Với người Việt, muốn học ngoại ngữ gì thì học, nhưng nên ưu tiên thời gian cho tiếng Anh trước bởi vì tiếng Anh giúp mỗi người tiếp cận thông tin nhanh nhất, tiện lợi nhất và bản thân nó cũng là thứ tiếng thú vị và tương đối dễ học.