Daily Archives: March 6, 2012

Tại sao không nên học cử nhân ngoại ngữ (tiếng Anh / ngôn ngữ Anh)

Hiện nay đang vào mùa tuyển sinh. Học sinh các khối lớp 12 đang rục rịch chọn trường chọn khối chọn ngành. Tại sao mình khuyên họ không nên học khoa tiếng Anh // hay còn gọi là Ngôn ngữ Anh, nếu không định lấy tiếng Anh làm nghề.

(Đây là ý kiến cá nhân, dựa trên cảm nhận và kinh nghiệm thực tế, ai nghe thì nghe không nghe thì không nghe không có vấn đề chi nà)

Về vấn đề này cách đây cả gần chục năm mình đã nói rồi.

Trước hết, tên gọi ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nga hay ngôn ngữ XYZ đã thấy rất là buồn cười rồi.

Có thể đọc thêm bài này ở đây : BA English tại sao không nên đào tạo?

Đọc thêm bài cùng chủ đề ở đây: Cử nhân ngoại ngữ ra trường làm gì?

Chỉ có ngành ngôn ngữ học nói chung, chứ làm gì có ngành ngôn ngữ học Nga hay Anh hay Pháp hay Lào hay Thái cơ chứ! Còn muốn đào tạo tiếng thì cứ gọi toẹt ra là tiếng Nga tiếng Anh tiếng Pháp cho nó lành, còn bày đặt. Rõ là vẽ chuyện chơi chữ với con nhà lành…

Khoa học ngôn ngữ chỉ có một. Học bằng ngôn ngữ nào là công cụ truyền tải nó. Đơn giản vậy thôi.

Ấy là chưa kể, chương trình cử nhân ngôn ngữ học Anh gì mà có tới quá nửa số thời gian dành cho các kĩ năng tiếng như nghe nói đọc viết. Phần kiến thức ngôn ngữ học cực kì ít, chỉ như là cưỡi ngựa xem hoa (30 tiết ngữ âm li thuyết không có thực hành; 90 tiết ngữ pháp lí thuyết cũng không có thực hành; 45 tiết từ vựng học lí thuyết và 60 tiết văn học Anh mà không đọc một tác phẩm nào trọn vẹn, chỉ trích giảng mấy thứ mà cũng không lấy ngôn ngữ học làm trọng tâm). Chương trình như vậy là được gọi là cử nhân ngôn ngữ Anh hay xyz đó. Quá là khôi hài luôn.

Ngày xưa học sinh giỏi mới đi học ngoại ngữ như một nghề. Ngày nay học sinh giỏi chỉ nên học ngoại ngữ như một công cụ giúp cho công việc của mình tốt hơn.

Ngày xưa các học sinh con nhà nòi vào khoa tiếng Nga, tiếng này tiếng nọ. Ngày nay chỉ học sinh con nhà quê mới đi học vào các khoa đó. Học sinh giỏi chọn học các khoa có thu nhập cao.

Trường chuyên ngữ như Đại học Hà Nội hiện giờ vẫn còn tập trung mũi nhọn vào đào tạo cử nhân định hướng biên phiên dịch. Như vậy là trường đã đi chậm nhiều năm so với thời đại.

Thời buổi này, học sinh Việt bắt đầu càng ngày càng học tiếng Anh từ khi còn rất trẻ. Tới một lúc nào đó, đa số người có thể giao tiếp thông thường bằng tiếng Anh. Vậy làm nghề biên phiên dịch dành cho ai?

Chắc chắn nghề biên phiên dịch không dành cho người có trình độ tiếng nhàng nhàng rồi.

Nếu dịch văn học thì e rằng chỉ giỏi tiếng không còn chưa đủ. Người ta còn cần có bản năng cảm thụ văn học, giỏi tiếng mẹ đẻ. Mà nói thực, số lượng giáo viên có thể dịch văn học ở đại học Hà Nội chỉ đếm đầu ngón tay, nhưng hầu hết đã về hưu, và chủ yếu là thuộc tiếng Nga chứ tiếng Anh thì chưa thấy có ai dịch văn học cả.

Nếu phiên dịch tinh hoa thì đâu phải dành cho đối tượng đại trà. Đơn giản vì để dịch vớ vẩn như thời đại trước khi cho đa số người mù tiếng Anh thì không cần thiết nữa. Còn dịch cho một số ít thì cũng cần phải lựa chọn đối tượng cụ thể, có nghĩa là rất ít mới có khả năng làm phiên dịch (tinh hoa). Mà muốn làm được điều đó thì cũng cần phải có đội ngũ biên phiên dịch tinh hoa để đào tạo. Nhưng lấy đâu ra lực lượng đó … để mà đào tạo đại trà.

Còn học cử nhân ngoại ngữ xong để rồi mà đi làm các việc loong toong như bồi bàn, tiếp tân, thư kí này nọ v.v. thì cần gì phải học một đại học. Một vài cua ngắn  hạn với chứng chỉ quốc tế là xong rồi, môn tiếng Anh.

Học cử nhân tiếng Anh hay Ngôn ngữ Anh xong rồi mà cuối cùng vẫn không xác định nổi trình độ ngoại ngữ tiếng Anh của mình quốc tế ở bậc bao nhiêu (theo chuẩn tây) thì học để làm gì!

Học cử nhân có định hướng biên phiên dịch nhưng lại lấy dịch tin tức làm chủ đạo thì cũng không phải là đất sống cho các biên phiên dịch tương lai. Còn dịch chuyên ngành chuyên sâu thì lại càng không có khả năng đào tạo, bởi đơn giản muốn dịch được chuyên ngành thì phải có chuyên môn sâu về một chuyên ngành cụ thể nào đó, trong khi ngay cái đơn giản nhất là môn tiếng Anh chuyên ngành cũng không được học ở chương trình cử nhân ngôn ngữ Anh (hay bất cứ ngôn ngữ nào khác).

Các môn cơ sở ngành khác vô cùng quan trọng cho ngành biên phiên dịch cũng không được học, chẳng hạn môn phân tích văn bản, hay môn phong cách học (văn phong học), ngữ nghĩa học cũng bị loại khỏi chương trình. Vậy thì đào tạo biên phiên dịch hay ngôn ngữ học Anh kiểu gì đây nếu không nói là treo đầu dê bán thịt chó!

Có một định hướng khác mà trường Đại học Hà Nội đang đổi gió đó là đào tạo chuyên ngành bằng tiếng Anh các môn công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, du lịch khách sạn, quốc tế học. Nhưng mà, đội ngũ giáo viên nói thật là chưa phải là cái gì ghê gớm lắm nếu không nói là kém tắm so với nhiều trường chuyên ngành khác.

Sau khi tốt nghiệp đại học trong nước, một số đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài. Chương trình thạc sĩ ở nước ngoài thường chỉ kéo dài 1 năm, với đối tượng kém hơn (cần bổ trợ kiến thức cho hợp ngành, hoặc tiếng Anh chưa đủ tầm chẳng hạn) thì học năm rưỡi hoặc 2 năm. Thử hỏi trong một-hai năm đó, với cách học thụ động trong nước, ra nước ngoài với tiếng Anh tầm từ 6.0 ielts thì tiếp thu được bao nhiêu phần trăm kiến thức của giảng viên nước ngoài. Cứ cho là dạng siêu hạng thì thầy dạy 10 cũng tối đa thu được 7-8. Sau một hai năm đó quay trở về, với 0 hoặc rất ít kiến thức thực tế, liệu có đủ điều kiện để tiêu hóa và truyền thụ mớ kiến thức vừa mới học kia cho sinh viên không? Ôi giời ơi, dù có mà là thánh  sống đi chăng nữa cũng không thể nào nhuần nhuyễn mà giảng cho sinh viên. Ấy là mới nói tới mớ lí thuyết. Cho dù có lấy y chang tài liệu của nước ngoài thì có đủ khả năng để hiểu hết cuốn sách mà người khác viết để giảng dạy không? Rồi tiếng Anh với yêu cầu 6.5 đó có đủ để muốn nói hết những gì có thể nói bằng tiếng Anh không? Và ngay cả khi có khả năng nói hết thì với tầm tiếng của sinh viên khoảng đó nữa (dù được yêu cầu điểm tiếng Anh tối thiểu, nhưng trình thi vẫn chỉ là dạng tiếng Anh nội địa – institutional test – và nhiều người còn được cho học từ 5.5 ielts – thì có phải là giao tiếp bằng thứ tiếng nào trên lớp nếu không phải là một thứ tiếng hỗn hợp nửa tây nửa ta không!

Thế thì tại sao phải học bằng tiếng Anh? Có một con đường ngắn hơn, học các môn học bằng tiếng Việt nhưng tiếng Anh đủ giỏi (theo chuẩn quốc tế, không phải chuẩn kiểu Việt). Cũng với một khoảng thời gian ngắn có thể đọc được nhiều loại sách khác nhau bằng thứ tiếng mình giỏi nhất. Dùng tiếng Anh chuẩn quốc tế kia để đọc sách và trao đổi bằng tiếng Anh khi cần thì có phải là lựa chọn tốt hơn không!

Thực thà mà nói thì mình nghi ngờ tất cả các chương trình học bằng tiếng Anh!

Thế nên các bạn học sinh, các bậc phụ huynh hãy thận trọng khi chọn nghề tương lai cho con cái.